THỜI TRANG BỀN VỮNG
CÓ THỰC SỰ DÀNH RIÊNG CHO “NHÀ GIÀU”?
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà các xu hướng thời trang đang xoay vòng liên tục để làm thỏa mãn khách hàng, một sự xoay chuyển mạnh mẽ và liên tục đến mức mà con người dường như đã bỏ quên yếu tố môi trường trong thời trang. Khi môi trường đang trở nên ô nhiễm hơn, biến đổi khí hậu trầm trọng hơn và chính nền công nghiệp thời trang đang góp phần lớn trong đó. Đây là thời điểm mà chúng ta cần nhận định lại việc ăn mặc và lối sống của bản thân có phù hợp với môi trường sống chưa?
Và thật tế cho thấy rằng, khi nhận thức rõ về yếu tố môi trường ảnh hưởng rất lớn đến với cuộc sống,con người dần có xu hướng sống chậm và lựa chọn những gì tự nhiên hơn để bảo vệ môi trường. Dần dà, chúng ta hướng đến lối sống bền vững, sống xanh, sống thân thiện với môi trường, sống gần gũi với thiên nhiên hơn.
Để góp phần giảm thải sự ô nhiễm lên trái đất, thời trang bền vững đang được chú trọng đến, thu hút rất nhiều nhà thiết kế, công ty thời trang các thương hiệu nổi tiếng cùng chung tay phát triển.
1. Thời trang bền vững là gì?
Thời trang bền vững (hay còn được gọi là thời trang xanh, thời trang thân thiện với môi trường hoặc thời trang đạo đức) bao gồm việc sử dụng nguyên vật liệu organic, thân thiện với môi trường; điều kiện làm việc công bằng; và mô hình kinh doanh bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc.
Quy trình sản xuất bền vững, mang đến những sản phẩm tối giản, thiết thực mà vẫn đẹp, thời trang bền vững cần đi liền với tối giản, đó là quần áo không cần nhiều, chỉ cần "chất". "Chất" ở đây có nghĩa là chất liệu bền đẹp, thân thiện với môi trường, thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, có thể kết hợp nhiều phong cách khác nhau".
Mục đích nâng cao nhận thức về thời trang bền vững là cái chúng ta hướng đến, tiếp cận thời trang bền vững – mà không phải thay đổi phong cách của bản thân.
“Một tín đồ thời trang chỉ yêu thời trang thôi chưa đủ, cần phải yêu và “cứu lấy” thiên nhiên bằng cách ủng hộ những thành phẩm có chất liệu “xanh” và quy trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường. Có lẽ bạn không biết, phải tiêu tốn khoảng 2.700 lít nước để làm ra một chiếc áo phông cotton bình thường và phải mất 7.000 lít nước để sản xuất một chiếc quần jeans”.
Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) không có một đích đến duy nhất. Đó là hành trình một thương hiệu hay doanh nghiệp thời trang cần liên tục học hỏi và thay đổi để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trái đất và toàn thể công dân.
Mỗi thương hiệu, mỗi nhà thiết kế thời trang đều có thể chọn một công thức bền vững riêng phù hợp nhất với các giá trị, niềm tin, con người và nguồn lực tài chính của mình. Mỗi bước thay đổi dù nhỏ nhất đều rất quan trọng.
2. Thành phẩm của thời trang bền vững
Cùng chung tay thay đổi tư duy, thay đổi hành vi và lối sống để hướng đến cuộc sống xanh và bền vững
“Hãy sử dụng những loại đồ có thể tái sử dụng”
Thời trang bền vững sẽ luôn ủng hộ việc tiêu dùng thời trang chậm, những bộ quần áo có thể tái sử dụng nhiều lần theo nhiều cách khác nhau.
Chúng ta có thể xem xét từ lúc bắt đầu chọn mua sản phẩm, xem sản phẩm đó có thể ứng dụng cho nhiều mục đích, nhiều trường hợp? Chất vải có phải loai có thể tự phân hủy hay có thể đem đi tái chế?
Chúng ta cần thay đổi dần ý thức và thói quen tiêu dùng của mình
“Kéo dài vòng đời quần áo của bạn”,
Chúng ta ai cũng từng ngạc nhiên vì sự quá tải của tủ quần áo của mình. Và có lẽ, có nhiều hơn một món đồ bị lãng quên từ lâu vẫn nằm ở đó. Nếu thấy chán kiểu quần áo đó, hãy thử làm mới chúng. Youtube và mạng xã hội luôn sẵn sàng cung cấp hàng ý tưởng “chế biến” đồ thành những kiểu dáng mới lạ. tại sao không thử biến đổi một chút thay vì vứt bộ quần áo đó đi?
Trong thời kì mà sự ô nhiễm và thừa thãi từ ngành thời trang đang trở thành vấn đề đáng ngại như ngày nay, thì việc bảo quản tủ quần áo của mình trở nên hết sức cần thiết, và việc tái sử dựng nó ít nhất một hay năm nữa là một thay đổi nhỏ mà tất cả chúng ta đều có thể thử làm.
“Phải hiểu rằng bền vững không phải là xu hướng” nó không phải là một tình trạng nhất thời mà chúng ta hưởng ứng theo lời kêu gọi của một tổ chức hay cộng đồng. Con người cần “thông minh” hơn để hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề.
Thời trang được ví như hơi thở của nền văn hóa. Nó cũng được xem như một cách giao tiếp phi ngôn ngữ của mỗi người. Và có lẽ chúng ta đã “vung tay quá trán” khi nghĩ rằng mình có toàn quyền quyết định với phong cách và cách tiêu xài của mình. Chúng ta dễ dàng mua những thứ mình thích nhưng có lẽ sẽ không dùng. Mọi người cần thay đổi trong chính suy nghĩ và cách tiêu dùng của mình, chứ không phải chỉ là phản ứng nhất thời theo một lời kêu gọi nào đấy.
Khi nói đến thời trang bền vững chúng ta sẽ nghĩ ngay đến thời trang đường phố, những thứ đòi hỏi phải mang tính ứng dụng và độ bền cao. Những thiết kế mang tính tối giản nhưng tinh tế, chúng ta không thể cứ mãi chạy theo các xu hướng mà phải tạo ra một cái gì tự nhiên và thân thiện với con người như linen, Tencel, vải sợi tre …. Thiết kế của thời trang bền vững là sự phản ánh lối sống của bản thân, một lối sống “gu” tối giản để khi chúng ta khoác lên người sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng thân thiện với môi trường thiên nhiên.
(Theo Liên đoàn Vải lanh và Cây gai dầu châu Âu, quá trình sản xuất 1 chiếc áo sơ mi vải linen chỉ cần 6,4 lít nước. Trong khi một chiếc áo tương tự bằng vải cotton sẽ tốn tới 2700 lít nước)
3. Thời trang bền vững chỉ dành cho “già giàu”???
Giá thành của chất liệu tự nhiên cũng như quy trình sản xuất khá cao. Đây đúng là thách thức với các hãng thời trang, cũng như rào cản của những khách hàng muốn tiếp cận xu hướng này.
Nhưng, điều quan trọng là mọi người cần hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ mật thiết giữa thời trang và thiên nhiên, bên cạnh đó thời trang bền vững là những sản phẩm mang phom dáng cơ bản, sắc màu trung tính, thân thiện và có độ bền khá cao, cái chúng ta hướng đến là “ chất” chứ không phải “lượng” và xét về khía cạnh lâu dài thì đây là một hướng đi tài chính hiệu quả. Vậy nên khi hai vấn đề này được giải quyết thì người tiêu dùng chắc sẽ suy nghĩ để có hành vi tiêu dùng một cách thông minh.
Thời trang được ví von như lớp vỏ ngoài đẹp đẽ, rực rỡ vừa bảo vệ con người, vừa là vũ khí của họ. Thời trang liệu nó có thể vẫn vừa lộng lẫy, vừa là người bạn thân thiện với môi trường và con người?
Hy vọng rằng, khi nhận thức của mọi người về môi trường đủ chính chắn thì họ sẽ tiếp cận và sử dụng thời trang khác đi, sẽ chú trọng hơn vào những sản phẩm thân thiện môi trường để cho vào tủ đồ của mình.
Nguồn: MyA - Sol's edit & tổng hợp